Viết blog thường được chúng ta hiểu là dùng chữ viết để thể hiện suy nghĩ, các luận điểm cá nhân về một vấn đề nào đó mà mình muốn truyển tải. Hay chúng ta có thể hiểu một cách bình dân là đang dùng chữ viết để đối thoại với người đọc, người ta viết blog cũng như nói chuyện là như vậy.
Nhưng nếu bạn đang muốn trở thành một người viết blog chuyên nghiệp thì nó lại là vấn đề khác, chưa bàn đến nội dung bài viết thế nào nhưng muốn khẳng định được sự chuyên nghiệp thì bài blog của bạn phải được chuyên nghiệp từ nội dung đến hình thức trình bày bài viết, mà trong bài này mình xin điểm qua một số vấn đề mà bạn cần biết khi viết blog, đặc biệt là viết blog theo hướng chuyên nghiệp.
Nên xem: Từng bước để tạo blog và viết blog
PHÂN TÍCH KỸ VỀ NHỮNG GÌ BẠN ĐANG/SẼ VIẾT
Nghiêm túc mà nói, tất cả chúng ta không ai muốn mọi người xem mình là một thằng chém gió không hơn không kém đúng không? Nếu bạn nghĩ viết blog thông thường là viết ra những suy nghĩ chợt thoáng qua trong đầu thì viết blog chuyên nghiệp là cả một quá trình vô cùng tốn thời gian và công sức.
Bạn đang muốn viết về một vài vụ tranh chấp? Ok, bạn cần nên tìm hiểu kỹ của vấn đề đó như hoàn cảnh phát sinh, ai tranh chấp ai, các luận cứ kèm luận điểm về đôi bên tranh chấp và sau đó hãy tiến hành viết thật sát với vấn đề. Hoặc gần gũi hơn hết là bạn muốn viết bài về SEO hay WordPress? Dĩ nhiên kiến thức bạn phải thuộc mức trên cả chấp nhận được vì ngay cả bản thân còn chưa thật sự tốt thì đừng mong gì ở người khác để họ phải tin vào những gì mình đang viết.
Đây là lỗi khá phổ biến mà dẫn chứng là có rất nhiều bài viết vô căn cứ được ra đời rồi mị đầu óc của không ít người. Trước kia mình cũng đã từng mắc rất nhiều do phải chạy đua với số lượng bài viết nhưng một vài sự cố đáng tiếc xảy ra đã buộc mình phải thay đổi, đừng bao giờ để người khác biết mình chém gió nhé.
BLOG KHÔNG CHỈ ĐỂ XEM, HÃY “GIAO TIẾP” VỚI HỌ
Cái “giao tiếp” mà mình muốn nói ở đây không phải liên quan đến việc bình luận ở blog mà đó chính là nội dung bài viết. Hẳn các bạn đã nghe nói ở đâu đó câu nói “A picture is worth thousand words“? Rất đúng, một bài blog không chỉ có toàn chữ vì như thế rất nhàm chán và mất cái hứng thú xem ảnh đi, nhưng một bài viết mà chỉ toàn ảnh thì nó chưa hẳn đã là phong cách của một blogger chuyên nghiệp. Vì sao?
Đã là một blogger chuyên nghiệp thì các vấn đề về Internet Marketing luôn là quan trọng hơn cả, trong đó có một quá trình dài hơi chính là SEO. Bản chất các máy tìm kiếm được sinh ra là để dò tìm các chữ (cụ thể là các từ khóa), một bài viết mà chỉ toàn ảnh không thì chưa đủ sức hấp dẫn để các bài viết đó có được thứ hạng cao. Hãy kết hợp các con chữ thật sự và tốt nhất để viết bổ sung vào một bài viết có nhiều hình ảnh để có thể có được vị trí tốt nhất ở máy tìm kiếm. Đó là lý do bài nào của mình cũng đều có rất nhiều chữ mặc dù nó đã có video kèm theo chứ đừng nói tới ảnh.
SỰ TÔN TRỌNG PHẢI ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU
Nếu bạn đang tôn trọng blog của mình, tôn trọng sức lao động của mình hay tôn trọng các bài viết của mình thì điều đó vẫn chưa đủ. Một blogger chuyên nghiệp thường là người của công chúng trên một vấn đề nào đó mà khi giao tiếp với phần lớn công chúng như vậy và muốn giữ được hình ảnh tốt đẹp về thương hiệu của blog thì bạn nên học cách tôn trọng. Vậy nên tôn trọng những gì?
- Tôn trọng bản quyền bài viết.
- Tôn trọng độc giả.
- Tôn trọng quyền phát hành sản phẩm.
- Tôn trọng lợi ích của đối tác.
- Và đặc biệt là tôn trọng những blogger khác.
Nhắc đến việc tôn trọng những blogger khác thì mình lại nhớ đến một chuyển chẳng mấy hay ho gì đã xảy ra cách đây vài ngày nhưng mình xin mạn phép không nhắc lại, và hậu quả của sự thiếu tôn trọng đồng nghiệp và độc giả đó chính là sự tảy chay không thương tiếc của những cộng đồng khác. Thế mới thấy, đôi khi blog bạn không cần có gì phải quá đặc biệt nhưng bạn đối xử tôn trọng với người khác thì tự dưng tên blog của bạn đã là một thương hiệu đẹp đẽ rồi.
Mình hoàn toàn không phủ nhận về việc thiếu tôn trọng vấn đề bản quyền của blog mình vì blog mình đã vi phạm rất nhiều vấn đề liên quan tới bản quyền các sản phẩm số (phần mềm, plugin, theme) nhưng vấn đề của mình là cần thời gian để bù đắp vào các bài viết chia sẻ nhiều hơn để việc chia sẻ plugin, theme trả phí vô tội vạ không còn tràn lan nữa.
Còn nếu bạn có viết bài dựa trên ý tưởng hay dàn bài của ai đó thì cũng nên để lại nguồn tham khảo rõ ràng vì đó là một hành động tôn trọng bản quyền bài viết tối thiểu mà bạn cần biết trước khi bước vào cộng đồng blogger.
TẬP SỬ DỤNG TỪ ĐỒNG NGHĨA
Mình đang nói tới vấn đề viết blog, viết blog rất tốt để tự học và khi viết blog bạn cần phải lưu ý một số điều cơ bản mà bạn cần biết khi viết blog. Bạn thấy câu bạn vừa đọc qua nó thế nào? Không phải là nó rất khó hiểu và làm bạn phân tâm trong lúc đọc vì phải lặp đi lặp lại quá nhiều cụm từ viết blog sao?
Khi còn học trên ghế trường phổ thông thì chắc ai cũng đã từng tập làm văn, tập làm nghị luận và báo cáo đúng không? Và có một điều mà giáo viên thường hay sửa đi sửa lại cũng như nhắc nhở rất nhiều lần là tránh phải lặp đi lặp lại một từ quá nhiều lần làm cho bài văn trở nên khô khan, lủng củng mà lại vô cùng khó hiểu. Thế mới công nhận, việc đọc thêm sách báo không bao giờ là thừa nếu muốn viết blog thật hay để thu hút người đọc.
Có một lợi ích vô cùng quan trọng khi bạn sử dụng từ đồng nghĩa trong bài blog đó là nó sẽ làm tăng sự phong phú của các từ khóa có trong bài viết để có thể đứng top với nhiều từ khóa tìm kiếm hơn, nhất là bản chất của tiếng Việt là vô cùng phong phú. Hiện tại Google cũng hỗ trợ rất tốt về việc hiển thị các kết quả tìm kiếm chứa từ khóa đồng nghĩa nên bạn hoàn toàn yên tâm khi sử dụng nó.
HỌC CÁCH ĐẶT TỪ KHÓA (KEYWORD)
Nếu ai đó nói viết blog mà không quan tâm đến các từ khóa được đặt trong bài để SEO Onpage tốt hơn thì đó chưa phải là cách viết blog chuyên nghiệp. Nhưng đặt từ khóa ở đây nghĩa là bạn đưa các cụm từ đó vào bài như thế nào để bài viết không những đạt được thứ hạng cao ở từ khóa quan trọng mà còn bài viết trở nên mạch lạc mà vẫn quyến rũ người đọc chứ không phải lộm cộm, khô khan như các bài viết đơn thuần chỉ để nhồi nhét từ khóa vô tội vạ.
Nên xem: Thủ thuật đặt từ khóa trong bài viết.
KÍCH THÍCH ĐỘC GIẢ CHIA SẺ
Mỗi bài viết của các blogger chuyên nghiệp nó không đơn thuần chỉ là một bài chia sẻ các kinh nghiệm, ý tưởng, tư duy của người viết mà nó còn phải chứa đựng sự tương tác trực tiếp đến hành vi của người đọc thông qua việc kích thích họ phải chia sẻ ý kiến cho bạn nghe, hay nói cách khác là viết làm sao để họ bắt buộc phải comment mới chịu được.
Bạn thích làm gì lúc rảnh rỗi? Mình thì thích ngồi một chỗ và phác thảo ý tưởng cho một bài viết mới và nghe nhạc cổ điển. Bạn có thích nghe nhạc đó không? Mình nghĩ lý do mà mình thích nhạc cổ điển vì nó nhẹ nhàng, khá dễ nghe mà lại có lợi cho sự tư duy. Nhưng nhà soạn nhạc giao hưởng nào tài ba nhất nhỉ? Mozart có vẻ được nhiều người nhắc đến nhiều nhất nhưng mà Beethoven cũng đâu kém nhỉ? Bạn có thể chia sẻ thêm một vài tên nhạc sĩ cổ điển mà bạn thích nhất để mình cùng nghe có được không?
Theo bạn thì bạn thích Joomla hay WordPress hơn nào? Mình thì mình thích WordPress hơn vì nó dễ sử dụng hơn mà lại nhiều plugin hỗ trợ nữa, riêng plugin bán hàng thì đã có trên 10 cái rồi đấy mà đều là miễn phí cả. Nhưng mình vẫn chưa biết được plugin bán hàng nào tốt nhất?
Tất cả mọi chủ đề bạn đều có thể làm cho nó có tính tương tác với người đọc để làm họ trở nên hứng thú để chia sẻ ý kiến cá nhân đến bạn hơn, mà nếu làm được người đọc bình luận một cách có hứng thú thì coi như bạn đã thành công ít nhiều trong bài viết rồi.
LUÔN LÀM TƯƠI CÁC BÀI VIẾT CŨ
Nếu blog đã hoạt động được một thời gian dài, có nhiều bài viết thì chắc chắn các bài viết cũ sẽ ít khi được người dùng chú ý hơn trừ khi nó luôn được làm mới lại và luôn được quảng bá thường xuyên. Trong các mẹo làm tươi bài viết cũ mà mình đã chia sẻ khá nhiều cách hay mà bạn có thể áp dụng nên mình sẽ không nói chi tiết thêm ở đây.
Một bài viết cũ thường có một số phần sau mà bạn cần phải cập nhật mới thường xuyên như:
- Các liên kết trỏ ra ngoài thường sẽ bị gãy.
- Một số luận điểm, luận cứ đã lỗi thời.
- Nếu là một bài viết thiên về công nghệ thì có thể phiên bản sản phẩm mà bạn đang viết đã có những thay đổi đáng kể.
- Các liên kết nội bị thiếu vì có thể nhiều bài mới của bạn có liên quan nhưng chưa liên kết vào.
Vì vậy nếu bạn muốn các bài viết trên blog luôn có giá trị qua từng năm tháng thì hãy thường xuyên cập nhật nó lại để nó hợp với thời hiện tại hơn, mà cũng là một phần giúp bạn giữ top lâu hơn nếu bài đó đang nằm top.
BÀI VIẾT PHẢI ĐƯỢC CHỈNH SỬA KỸ TRƯỚC KHI ĐĂNG LÊN
Có bao giờ bạn nghĩ rằng một bài viết dài sẽ rất tốt cho cả SEO lẫn người đọc? Nếu nói nó tốt cho sự chi tiết trong bài thì mình hoàn toàn đồng ý nhưng đối với SEO hay tính tương tác với người đọc thì một bài dài chưa chắc đã tốt vì không ai muốn phải đọc một bài dài lê thê lết thết như bài này đâu.
Trong nhiều bài viết của mình có những bài khi đăng ra chỉ có khoảng 1.800 từ nhưng sự thật đằng sau nó là cả một quá trình biên soạn dài hơi mà mình đã phải gạt bỏ đi rất nhiều chi tiết để giảm số lượng con chữ luôn một cách tối ưu nhất có thể và bài nào mình cũng cố gắng viết ngắn lại đến mức không còn thể ngắn hơn được nữa. Vì sao vậy, bài dài không phải chứng tỏ sự chuyên nghiệp hơn sao?
Nói dài nói dai thành ra nói dại ít khi nào sai vì dài dòng quá đôi khi nó vừa làm cho người đọc rất ngán phải đọc hết mặc dù rất muốn hiểu xem người viết đang nói về cái gì. Đặc biệt trong các bài viết mang tính chất PR thì càng dài lại càng không tốt vì người đọc mất rất nhiều thời gian để hiểu về sản phẩm mà bạn nói đến trong bài.
Không chỉ có việc rút ngắn bài viết lại mà việc chỉnh sửa câu cú, lỗi chính tả, cách đặt dấu chấm câu đều rất quan trọng trước khi ấn nút Publish để đăng bài lên. Vì vậy có thể thấy được, một quá trình viết bài của một blogger chuyên nghiệp luôn không thể thiếu bước chỉnh sửa bài viết thật kỹ càng.
TÓM GỌN NỘI DUNG CẦN TRUYỀN TẢI Ở ĐẦU BÀI
Nếu bạn có để ý thì các bài viết do mình viết đều được tóm gọn nội dung chính của bài ở đoạn mở đầu. Thực ra đây cũng không phải là tips viết blog chuyên nghiệp gì cả mà nó cũng là một trong các vấn đề cơ bản mà bạn cần biết khi viết blog để có thể cho khách tò mò có thêm hứng thú đọc chi tiết bài viết vì họ đã hiểu được lợi ích sau khi đọc xong bài là gì.
Thêm nữa là nếu bạn biết cách tóm gọn bài viết ở đầu bài như vậy cũng sẽ rất tốt cho SEO vì thường là các từ khóa quan trọng cùng những từ đồng nghĩa sẽ được đặt thẳng trong đó, mà bot lại đánh chỉ mục và sắp xếp thứ tự ưu tiên các từ khóa từ trên xuống dưới nên sẽ tốt hơn cho SEO nữa.
VIẾT TẬP TRUNG MỘT VÀI CHỦ ĐỀ BẠN VIẾT TỐT NHẤT
Nếu bạn đã từng xem qua nhiều blog nổi tiếng tại Việt Nam hay trên thế giới thì tất cả blog đó bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng họ luôn viết bài tập trung vào một chủ đề nào đó chứ không chứa nhiều chủ đề không liên quan với nhau. Ví dụ blog về làm đẹp thì chỉ toàn chứa bài về làm đẹp, blog lập trình thì chỉ viết bài về một vài ngôn ngữ lập trình,….Còn chuyện tổng hợp nội dung để khiến blog trở nên rộng thênh thang thì đó chưa phải là cách viết blog chuyên nghiệp vì ông bà ta thường có câu “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” mà. Dĩ nhiên ta không thể mang ra so bì với các blog cực lớn như Mashable hay TechCrunch được đâu vì họ gần như là một tạp chí thu nhỏ.
Trong các bài viết trước của mình đều có bước khuyên mọi người nên hoạch định rõ là sẽ viết gì và chỉ viết những bài tập trung vào chủ đề đó mà thôi và mình thấy nó quan trọng đến mức mình xin nhắc lại một lần tại đây.
Tham khảo thêm: Vì sao bài viết của bạn kém thu hút?
KHÔNG NÊN VIẾT LIỀN, HÃY CÁCH BÀI RA NHIỀU PHÂN ĐOẠN NGẮN
Cảm giác bạn ra sao khi đọc nhầm một bài mà từ đầu tới cuối họ chỉ cách dòng ra khoảng 2, 3 lần và mỗi dòng như vậy là cả một “rừng chữ” dài như Vạn Lý Trường Thành như vậy? Đúng thật là hấp diêm con mắt của bạn mà phải không? Nếu bạn đã tưởng tượng ra được và thấy mình nói đúng thì đó là lý do bạn nên lư ý về việc cách dòng, chia bài viết ra nhiều phân đoạn nhỏ thay vì viết liền mạch với nhau, giống như thế này:
Lợi ích của cách chia đoạn này là không những cho bài viết trở nên đẹp đẽ, gọn gàng hơn mà quan trọng nhất là cho mắt người đọc được nghỉ ngơi theo chu kỳ và não cũng có được điểm dừng để đỡ mệt mỏi hơn sau khi đọc xong.
HÃY MỞ ĐẦU BÀI VIẾT BẰNG MỘT CÂU CHUYỆN NẾU ĐƯỢC
Nếu bài mà bạn đang viết có một chút nội dung gì đó mà bạn có thể dẫn chứng ra kinh nghiệm cá nhân hay câu chuyện của riêng bạn để đưa vào đoạn đầu thì hãy làm đi, ví dụ như bạn đã gặp khó khăn gì trước đó, làm thế nào bạn tìm ra giải pháp, giải pháp này đã giúp bạn như thế nào và lợi ích của nó đối với bản thân. Đừng quên kèm theo dẫn chứng xác thực nhé.
Sở dĩ mình cần làm như vậy là vì với một đoạn mở đầu như thế, bài viết bạn sẽ trở nên có hồn và tự nhiên hơn bao giờ hết mà vẫn thu hút được độc giả vì ai chẳng muốn hiểu xem cái gì đã làm bạn giải quyết được vấn đề như vậy. Nó cũng là một kiểu viết review khá phổ biến mà trên thế giới hiện nay vẫn đang dùng mỗi ngày dù blog chuyên nghiệp hay blog nghiệp dư.
LỜI KẾT
Các mẹo ở trên chỉ là một phần rất nhỏ trong vô vàn các kỹ thuật viết bài bá đạo của những blogger chuyên nghiệp mà mình đã có thể quan sát, ngoài ra còn rất nhiều kỹ thuật khác nâng cao hơn nhưng nói đi thì phải nói lại, bạn viết tốt hay không là do khả năng của mỗi người. Nếu bạn muốn viết tốt hơn nữa, hãy cố gắng đọc nhiều hơn rồi bạn sẽ được như ý muốn và kết hợp với một số kinh nghiệm trên. Chúc bạn sớm trở thành một blogger thật chuyên nghiệp, mình cũng đi tu luyện tiếp để trở thành blogger chuyên nghiệp đây.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét